Translate

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Hướng dẫn sử dụng đầy đủ về iFunbox. Cách cài Apps ứng dụng, copy nhạc phim ảnh video vào iPhone iPad iPod ko cần iTunes


{VnTim™} 

Hầu hết mọi người sử dụng iPhone/iPad/iPod/iDevice đều dùng iTunes để copy, backup dữ liệu (nhạc, ảnh, danh bạ, phim, video clip ...). Trong nhiều trường hợp nếu bạn chưa biết cách sử dụng iTunes sau khi sync sẽ bị mất dữ liệu cũng như các ứng dụng trong iPhone/iPad/iPod/iDevice của bạn vì đa phần các máy iPhone/iPad/iPod/iDevice mua tại các cửa hàng ở Việt nam đều được cửa hàng cài đặt sẵn rất nhiều ứng dụng và các ứng dụng phải trả phí thì đã được cracked. Nếu bạn muốn cài đặt thêm ứng dụng mới hoặc cần copy, sao chép, backup dữ liệu thì phải mất thời gian, tiền phí ra cửa hàng để nhân viên ở đó xử lý giúp bạn.
Bài viết này xin giới thiệu với các bạn phần mềm dùng để copy, sao chép, backup dữ liệu (nhạc, ảnh, danh bạ, phim, video clip ...) từ iPhone/iPad/iPod/iDevice ra máy tính và ngược lại.


Cái này thì có bài hướng dẫn rồi, nhưng mình hướng dẫn sâu hơn và tổng hợp lại từ nhiều nguồn khác nhau
Bài này được làm ra để cho các mem mới chơi iPhone chưa biết đến iFunbox là gì có thể vào đây tham khảo

1) Giới thiệu về phần mềm i-Funbox:

i-Funbox là gì ?
Là 1 Explorer của iOS trên Windows/Mac

i-Funbox có tác dụng gì ?
i-Funbox có thể dùng để chép nhạc, phim, ảnh, game, apps và nhiều thứ khác như Cài, Backup ứng dụng (app), game, danh bạ, tin nhắn, E-mail,...

2) Cài đăt và sử dụng:

Các bạn download i-FunBox tại đây hoặc qua trang chủ.

Sau khi download về mở i-FunBox lên (bản này không cần cài đặt)
Đây là giao diện của i-Funbox khi bạn đã kết nối iPhone/iPad/iPod/iDevice với máy tính:

User Applications:
Khi bạn chọn tab này, i-Funbox sẽ view ra cho bạn toàn bộ các ứng dụng hiện đang có trong dế yêu iPhone/iPad/iPod/iDevice của bạn và bạn có thể copy: (3) ứng dụng có trong iPhone/iPad/iPod/iDevice ra máy tính, cài đặt:(2) các ứng dụng mới từ máy tính vào iPhone/iPad/iPod/iDevice, hoặc backup 1 ứng dụng trong iPhone/iPad/iPod/iDevice thành file IPA.

Camera:
Tab này chứa toàn bộ ảnh của bạn được chụp từ iPhone/iPad/iPod/iDevice, ở đây bạn có thể Copy: (2)ảnh từ iPhone/iPad/iPod/iDevice ra máy tính và ngược lại copy ảnh từ máy tính vào iPhone/iPad/iPod/iDevice: (3) hoặc xóa ảnh: (4)

Wallpapaers:
Chứa toàn bộ các ảnh dùng để làm ảnh nền tại Home screen và Lock screen của iPhone/iPad/iPod/iDevice.

Ringtones:
Nơi chứa nhạc chuông, nhạc tin nhắn mặc định của iPhone/iPad/iPod/iDevice, bạn có thể thêm hoặc xóa, nhớ chú ý định dạng file khi bạn thay đổi thư mục này.

Raw File System:
Đây là nơi chứa toàn bộ các file của tất cả các ứng dụng. Để thêm nhạc chuông, nhạc yêu thích để nghe giải trí hoặc xóa bỏ nhạc chuông hay những bản nhạc bạn không thích nghe thì bạn truy nhập vào theo thứ tự như hình dưới, đường dẫn như sau: Raw File System/User/Media/iTunes_Control/
+ Để copy hoặc xóa nhạc chuông bạn lựa chọn thư mục Ringtones trong thư mụciTunes_Control.
+ Để thêm hoặc xóa những bài hát trong iPhone/iPad/iPod/iDevice mà bạn muốn thì bạn lựa chọn thư mục Music.

3) Lưu ý : Một số lỗi bạn có thể gặp trong lần chạy đầu tiên.

Không thể kết nối với iFunbox: thường là do các lỗi sau:

Lỗi 1 : iPhone chưa cài afc2add
Khắc phục : Cài afc2add trên Cydia

Lỗi 2 : Apple Mobile Service không hoạt động
Khắc phục : Bạn vào Control Panel trên PC rồi start nó là xong(nếu không được hãy thử lỗi 3)

Lỗi 3 : Thiếu NET framework 3.5
Khắc phục : Kiếm trên mạng một cái rồi nhét vào PC thôi(lỗi 3 nếu không được thì cài lại iTunes phiên bản mới nhất)

4) Hướng dẫn dùng một vài tính năng hay của -Funbox.

Hướng dẫn ở đây chỉ dành cho App trên iTunes hoặc Cydia, không dành cho các App mặc định của hệ thống như Camera Roll.

Máy phải Jailbreak mới thâm nhập được hệ thống.

Nên dùng thêm iFile để linh hoạt hơn trong vấn đề Copy và di chuyển file (không phải là iFiles trên App Store đâu)

A, Hướng dẫn cài app, game với i-FunBox.
Đầu tiên bạn phải có app or game mình muốn cài vào iphone "cái này rõ rồi: mình có thể download trên diễn đàn tinhte.vn hay tìm trên mạng rất nhiều.
- Kết nối Iphone với laptop qua cáp, bật i-funBox lên khi iphone kết nói với Laptop thì bên phía trái i-funbox sẽ có tên máy của mình (Hình phía dưới)

Hướng dẫn sử dụng đầy đủ về iFunbox. Cách cài Apps ứng dụng, copy nhạc phim ảnh video vào iPhone iPad iPod ko cần iTunes

- (1) đầu tiên các bạn nhấp chuột vào bất cứ phần nào tên điện thoại của ta trên i-FunBox (phía trái bên trên của i-FunBox)
- (2) giờ bạn bấm vào Install App (AppFastLn)
Tìm đến app or Game mình muốn cài vào máy và bấm ok. đợi nó chạy 100 là ok. giờ bắt đầu thưởng thức.
Các cài app, game qua I-FunBox này rất nhanh va tiền lợi.

B, cách backup app, game từ Iphone ra và lưu tại máy tính.

Tại I-FunBox ta bấm chuột vào User Applications
Phía bên phải của i-FunBox ta thấy các app đang cài trên Iphone ta chọn app, game muốn lưu bấm chuột phải chọn "Backup to .ipa Package..." chỉ chuột đến nơi mình muốn lưu giữ và chọn ok... như vầy là ta đã lưu thành công app, game trong máy tính và cài lại bất cứ lúc nào khi cần (tham khảo hình dưới).

Hướng dẫn sử dụng đầy đủ về iFunbox. Cách cài Apps ứng dụng, copy nhạc phim ảnh video vào iPhone iPad iPod ko cần iTunes

C, Backup và phục hồi danh bạ, SMS, Mail, Logs...
Từ i-FunBox chọn Raw File System (bên trái của i-FunBox) nhìn sang bên phải chọn theo đường dẫn: private/var/mobile/library ở đây ta chọn các file AddressBook (danh bạ), Mail, Logs (nhật ký cuộc gọi), SMS (tin nhắn) Notes (các ghi chú), Maps (bản đồ),.... : (để chọn nhiều file đó ta bấm giữ phím Ctrl rồi dùng chuộn chọn những file mình muốn).
tiếp đến Bấm chuột phải chọn Copy To PC ... chọn đừng dẫn muốn lưu kết thúc bấm ok (vậy là danh bạ, tin nhắn, mail... của bạn đã được lưu (tham khỏa hình vẽ)

Hướng dẫn sử dụng đầy đủ về iFunbox. Cách cài Apps ứng dụng, copy nhạc phim ảnh video vào iPhone iPad iPod ko cần iTunes

Để phục hồi lại ta làm tương tự trên i-funBox tìm đến đường dẫnprivate/var/mobile/library trên laptop tìm đến nơi lưu file ta muốn phục hồi kéo và thả các AddressBook, mail.... muốn từ máy tính vào... i-FunBox ---- Kết thúc reboot (khởi động) lại Iphone là ok

D, Copy ảnh, nhạc, video clip ...
Ngoài ra chúng ta có thể copy Ảnh, Nhạc chuông từ Iphone ra ngoài máy tính và ngược lại hoặc chúng ta có thể xóa chúng (nếu muốn)

Hướng dẫn sử dụng đầy đủ về iFunbox. Cách cài Apps ứng dụng, copy nhạc phim ảnh video vào iPhone iPad iPod ko cần iTunes

Vâng, phần mềm này rất dễ sử dụng và thực sự tiện ích cho những ai đang sử dụng iPhone/iPad/iPod/iDevice các bạn cố gắng vọc thêm nhé!

Download i-Funbox bản mới nhất tại trang chủ của i-Funbox:
Phiên bản cho Windows:
Phiên bản cho Mac:

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Bác bỏ tham vọng “đường lưỡi bò”


Cuốn sách Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông do TS Trần Công Trục - nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ - chủ biên được xem là một tài liệu hệ thống lại những vấn đề cơ bản về pháp lý, bằng chứng lịch sử… chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa

* Phóng viên: Xin ông cho biết cuốn sách Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông tập trung làm rõ những vấn đề gì?
- TS Trần Công Trục: 
Đây có thể là cuốn sách chuyên khảo đầu tiên hệ thống lại các vấn đề cơ bản nhất của tình hình biển Đông từ vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, các vùng biển… Thông tin trong cuốn sách được trình bày một cách dễ hiểu nhất cho tất cả bạn đọc, các nhà nghiên cứu, báo giới, sinh viên trong nước và thế giới, nhất là người dân, những trí thức, báo giới Trung Quốc.
Bởi hiện nay, không ít bạn đọc ở Trung Quốc cũng như quốc tế đã bị thông tin một chiều theo kiểu “bôi đen” lịch sử về chủ quyền mơ hồ “đường lưỡi bò”, chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ phía Trung Quốc. Vì thế, ngay trong năm 2012 này, cuốn sách sẽ được biên dịch ra tiếng Anh và tiếng Trung để phổ biến rộng rãi.
Cuốn sách được thực hiện trên nguyên tắc khoa học, khách quan, biện chứng. Nội dung đã được kiểm chứng, được xác thực và có giá trị pháp lý, cứ liệu lịch sử rõ ràng. Đặc biệt, cuốn sách đã trích dẫn các tài liệu và bằng chứng cho thấy Trung Quốc đưa ra cái gọi là “đường lưỡi bò” là hoàn toàn mơ hồ, không xác thực.
Vấn đề Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được cuốn sách đề cập như thế nào?
- Đáng chú ý là cuốn sách đã đưa ra những bằng chứng khẳng định Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ XVII. Quá trình này xuyên suốt liên tục từ thời Chúa Nguyễn cho đến ngày nay. Từng giai đoạn, cuốn sách đã ghi lại một cách hệ thống việc thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ bằng các văn bản mang tính Nhà nước.
Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Nhà nước Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, cứ liệu lịch sử để chứng minh chân lý trên.
Các tài liệu khẳng định điều này đều được chính thức hóa trong dư luận trong và ngoài nước như vị trí, địa lý, tọa độ, mô tả cũng như tên gọi của từng đảo, từng bãi cạn của 2 quần đảo đều được chuẩn hóa và được quốc tế công nhận.
Đây có phải là góp ý để chúng ta đòi lại quần đảo Hoàng Sa cũng như bảo vệ vững chắc chủ quyền đối với Trường Sa, thưa ông?
- Như tôi đã nói, tính xác thực và có giá trị pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa được nhắc đến trong cuốn sách và trên thực tế đủ điều kiện để quốc tế công nhận cũng như xét xử khi chúng ta khởi kiện ra tòa nếu có tranh chấp. Đồng thời, bác bỏ một cách biện chứng, có giá trị pháp lý đối với tham vọng “đường lưỡi bò” phi lý của phía Trung Quốc.
Bao quát, dễ hiểu, chứng lý rõ ràng
Tác phẩm Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông có 400 trang, gồm 4 chương. Chương 1giới thiệu khoa học và hệ thống về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với nền kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Chương 2 đưa ra các cơ sở pháp lý để xác định các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam theo công ước quốc tế.
Chương 3 lược lại cụ thể quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chương cuối là vấn đề tranh chấp biển Đông, thực trạng và giải pháp. Cùng với nhiều hình ảnh, sơ đồ, chứng lý rõ ràng, cuốn sách đem lại cho người đọc cái nhìn bao quát, dễ hiểu đối với chủ đề biển, đảo.
THẾ DŨNG thực hiện
Nguồn :  http://nld.com.vn/2012080711295560p0c1002/bac-bo-tham-vong-duong-luoi-bo.htm

Hăng hái hợp tác để ngăn láng giềng ngạo mạn


Ấn Độ - ASEAN:

Ấn Độ và ASEAN đang đẩy mạnh quan hệ trước những quan ngại về sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc.

Cả Manmohan Singh, vị thủ tướng 80 tuổi và ham đọc sách của Ấn Độ, hay Hun Sen, Thủ tướng Campuchia, đều không có thói quen theo dõi các cuộc đua motor giải trí.
Thế mà cả hai ông - cùng với Quốc vương Brunei và các vị chức sắc Ấn Độ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á khác - đều quy tụ tại vạch đích đường đua 8.000km ASEAN-Ấn Độ diễn ra tại New Delhi tuần qua.
"Mối quan tâm đặc biệt" của các vị lãnh đạo vào sự kiện thể thao này, diễn ra đồng thời với Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á, là tín hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày một vững chắc giữa nền dân chủ lớn nhất thế giới với 10 quốc gia Đông Nam Á ở phía đông nước này.
Dè chừng trước sức mạnh kinh tế và quân sự đang tăng lên của Trung Quốc, cả Ấn Độ và ASEAN đều hăng hái muốn xây dựng lại mối quan hệ có nguồn gốc lịch sử sâu sắc nhưng khá mong manh trong thời điểm hiện nay này. Mỹ và Nhật Bản, hai nước cùng quan ngại không kém về sự trỗi dậy cũng như các tuyên bố chủ quyền bành trướng ra toàn bộ Biển Đông của của Trung Quốc, cũng đứng ngoài vỗ tay hoan nghênh.
Xét trên khía cạnh kinh tế và chiến lược, sự kết hợp giữa Ấn Độ và ASEAN chắc chắn không thể xem thường. Như Thủ tướng Singh phát biểu trong diễn văn khai mạc hội nghị, hai khu vực có dân số 1,8 tỷ người - tức gần ¼ nhân loại - và có giá trị tổng sản phẩm quốc nội cộng lại đạt gần 3,8 nghìn tỷ USD.
Thương mại hai chiều còn khiêm tốn nhưng đang tăng trưởng nhanh, lên gấp hơn 10 lần trong vòng một thập niên qua. Ấn Độ và ASEAN vừa hoàn tất thỏa thuận thương mại dịch vụ và đầu tư, để bổ sung cho hiệp định về thương mại hàng hóa, và hướng tới kim ngạch mậu dịch hai chiều đạt hơn 100 tỷ USD/năm vào năm 2015.
Sự mở cửa gần đây của Myanmar, quốc gia thành viên ASEAN tiếp giáp biên giới phía Đông của Ấn Độ, đã mở ra nhiều câu chuyện phấn khích về một "đại lộ ba bên" nối liền Ấn Độ với Myanmar và Thái Lan, và có thể với cả Lào và Campuchia bằng đường bộ - mặc dù hình ảnh những tay lái gập gềnh trên con đường sốc cho thấy còn nhiều việc cần phải làm.
Nhưng chính khía cạnh chiến lược và đặc biệt là hàng hải của mối quan hệ Ấn Độ - ASEAN mới thực cần kíp bởi Trung Quốc đã bắt đầu cứng rắn với các tuyên bố tranh chấp trên Biển Đông - một vấn đề đã kích động cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippine tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hồi tháng 11/2012.
Ông Singh phát biểu: "Sự gắn kết Ấn Độ - ASEAN bắt đầu với trọng tâm là kinh tế, nhưng nó đang ngày càng trở nên mang tính chiến lược hơn. Ấn Độ và các quốc gia ASEAN nên tăng cường gắn kết về an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế".
Những phát biểu này không chỉ đơn thuần là những lời nói. Trước đó chưa đầy 3 tuần, Đô đốc D.K. Joshi, chỉ huy trưởng Hải quân Ấn Độ, đã phát biểu, Ấn Độ sẵn sàng cử tàu tới bảo vệ lợi ích của mình tại Biển Đông, nơi Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ đang tham gia thăm dò chung tại ngoài khơi Việt Nam.
Vài ngày sau đó, Phó Đô đốc Su Zhiqian, một tư lệnh hải quân Trung Quốc, được dẫn lời tại Sri Lanka nói rằng hải quân Trung Quốc sẽ "tích cực duy trì hòa bình và ổn định ngoài khơi Ấn Độ Dương".
Sự "quan tâm sâu sắc" đến vùng biển được cho là sân sau của nhau là lý do quan trọng giải thích tại sao hai cường quốc này lại tỏ ra tích cực ve vãn Đông Nam Á, khu vực đứng ở giữa hai đại dương này.
Ấn Độ và ASEAN đều ý thức rõ từ nhiều năm qua rằng họ cần phải đa rạng hóa các quan hệ đối tác thương mại và liên minh để trở nên không quá phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, hay quá dễ tổn thương trước sức manh quân sự đang lên của nước này.
Căng thẳng mới trên Biển Đông đã tạo thêm động lực cho động thái này theo hướng hợp tác hơn. Ông Shyam Saran, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, phát biểu: "Rõ ràng tình hình đang trở nên nguy hiểm hơn trong hơn một năm rưỡi qua. Không thể phủ nhận sự bối rối đang tăng lên tại các nước ASEAN".
ASEAN là một tổ chức quá nhiều khác biệt, và thưởng chỉ Việt Nam và Philippin nói công khai về cái được coi là mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn thận trọng tránh gây xúc phạm đến người láng giềng khổng lồ mà họ đã từng chiến đấu và chịu thua trong cuộc chiến tranh biên giới chớp nhoáng 1962.
Nhưng khi ông Singh nói về "những câu hỏi còn để ngỏ và những vấn đề chưa giải quyết trong khu vực của chúng ta", và khi ASEAN và Ấn Độ thiết lập "quan hệ đối tác chiến lược" và cùng nhau kêu gọi ủng hộ tự do thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế", như họ đã làm hồi tuần trước, rõ ràng nhân tố Trung Quốc vẫn luôn ám ảnh trong suy nghĩ của họ.
Trâm Anh theo FT

Thêm bản đồ cổ khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam


Thứ Bảy, 04/08/2012 22:15

(NLĐO) - Ngày 4-8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết vừa tiếp nhận tấm bản đồ cùng với quyển sách cổ Trung Quốc được in bằng tiếng Pháp (Nhà xuất bản Thượng Hải phát hành năm 1903) do một người dân địa phương hiến tặng.

Người sở hữu tư liệu quý báu này là anh Nguyễn Thanh Thuận (23 tuổi, ngụ phường 3, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Anh Thuận cho biết cách đây 2 năm, anh lên TPHCM sưu tầm sách cổ thì phát hiện ra tấm bản đồ này nằm trong quyển sách có tên Le Canal Impérial của tác giả Le P.Domin Gadar. “Vừa thấy tấm bản đồ cổ, tôi biết ngay đó là tài liệu quý nên đem về nhà bảo quản rất cẩn thận cho đến khi quyết định hiến tặng lại Tỉnh ủy Đồng Tháp” - anh Thuận nói.
Anh Nguyễn Thanh Thuận..
Theo ông Lê Minh Trung, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhiều nhà dịch thuật am hiểu chữ Hán đã khẳng định tấm bản đồ cổ này thể hiện khá rõ nét về lãnh thổ Trung Quốc vào đầu thế kỷ XX.
...và tấm bản đồ cổ Trung Quốc thể hiện đảo Hải Nam là điểm cực Nam của Trung Quốc
Trong đó, đảo Hải Nam là điểm cực Nam của Trung Quốc, hoàn toàn không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Trung cho rằng những tư liệu lịch sử quý báu như thế này rất hữu ích cho việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia. 
Tin-ảnh: T.Nốt
Nguồn :  http://nld.com.vn/20120804091514183p0c1002/them-ban-do-co-khang-dinh-hoang-sa-va-truong-sa-la-cua-viet-nam.htm

Chứng cứ xác thực về chủ quyền biển đảo Việt Nam

Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử minh bạch chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình…
Đó là những nội dung được các giáo sư nước ngoài nhấn mạnh tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Thực trạng vấn đề chủ quyền Biển Đông và giải pháp” diễn ra ngày 23-10 tại Đại học Tổng hợp Chosun (Hàn Quốc).
Đại Nam nhất thống toàn đồ (bản đồ Việt Nam vẽ năm 1834) đã có Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam - Nguồn: NXB Bản Đồ


Giáo sư chuyên ngành Việt Nam học Lee Yun-boem thuộc trường Đại học Chungwoon (Hàn Quốc) đi sâu phân tích, đánh giá về những giải pháp mà Việt Nam đã và đang tiến hành nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Giáo sư Lee Yun-boem nhấn mạnh Việt Nam công khai kiên quyết giữ vững lập trường đối với vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện trên hai nội dung chính: Thứ nhất, Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử minh bạch chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Thứ hai, Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Trong khi đó, Giáo sư Ahn Kyong-hwan thuộc Đại học Chosun cho rằng về mặt lịch sử, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được chứng minh một cách rõ ràng là đã được Việt Nam cai quản một cách hiệu quả. Theo tin tức từ Giáo sư, việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc duy trì hòa bình thế giới và thúc đẩy nền kinh tế khu vực. Tuy nhiên, vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là vấn đề khó có thể giải quyết nếu chỉ bằng nỗ lực của riêng Việt Nam mà cần phải có sự chia sẻ và thấu hiểu của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, theo Giáo sư, việc tổ chức các cuộc hội thảo khoa học định kỳ với sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia... để cùng chia sẻ các tài liệu lịch sử và tìm kiếm biện pháp giải quyết hòa bình là việc làm có ý nghĩa quan trọng.
Về những căn cứ lịch sử liên quan đến chủ quyền trên biển Đông, Tiến sĩ Isabel, Viện Giáo dục Ngôn ngữ thuộc Đại học Chosun, có tham luận “Căn cứ và sự thật lịch sử về chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam”, trong đó khẳng định rằng: “Không chỉ từ luật quốc tế và thực tiễn của tình hình quốc tế mà cả từ những kết luận và chứng cứ lịch sử đã được đề cập, có thể đưa ra ba luận điểm quan trọng sau: Thứ nhất, Việt Nam chứ không phải quốc gia nào khác đã sở hữu một cách thực chất quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu. Thứ hai, từ sau thế kỷ 17, trong hàng trăm năm, Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo phương thức hòa bình và liên tục. Thứ ba, Việt Nam đã bảo đảm được danh phận và quyền lợi hợp pháp để đối phó với các ý đồ và hành động xâm phạm chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
Tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do Trung Quốc xuất bản từ thời nhà Thanh (năm 1904) thể hiện rõ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam -(Ảnh tư liệu)

Trong tham luận về “Thực trạng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và một số quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông hiện nay”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Chỉnh (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh với chính sách đối ngoại hòa bình, trong giai đoạn hiện nay, với tư cách là một thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và có bước đi linh hoạt, mềm dẻo cần thiết, tiếp tục các nỗ lực to lớn, tuân thủ các cam kết trong Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), đồng thời kêu gọi các nước liên quan thực hiện đúng cam kết trong văn kiện này. Việt Nam cho rằng DOC thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Nghiêm túc tôn trọng tinh thần DOC và thực hiện đầy đủ DOC sẽ có lợi cho cả ASEAN và Trung Quốc, đồng thời đáp ứng được mong mỏi và nguyện vọng chung của khu vực và thế giới về một Biển Đông hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Theo ANTĐ

Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa: Lịch sử chống lại Trung Quốc!


      Đề tài khoa học Font tư liệu Hoàng Sa do huyện đảo Hoàng Sa - Đà Nẵng đầu tư đã thu thập được 56 bản đồ các nước phương Tây, 22 bản đồ Trung Quốc và 8 bản đồ Việt cổ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam

Ngoài tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do NXB Thượng Hải (Trung Quốc) in năm 1904 ghi rõ cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, UBND huyện đảo Hoàng Sa - Đà Nẵng đang giữ nhiều bản đồ do chính người Trung Quốc lập nên, cho thấy từ năm 1909 trở về trước, Hoàng Sa và Trường Sa không được nước này nhắc đến.
Chứng cứ không thể chối cãi
Ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, cho rằng tài liệu trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa và NXB Thông tin - Truyền thông xuất bản tháng 1-2012 đã là một kho tư liệu, chứng cứ quý giá khẳng định Việt Nam là nước đầu tiên trong lịch sử chiếm hữu và thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII.
Chẳng hạn, ngày 13-1-1947, Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong đó, Pháp đã nêu lên những bảo lưu về hậu quả pháp lý từ việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của quân đội Trung Hoa Dân quốc, đồng thời nhắc lại đề nghị tìm giải pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế.
Người dân đến xem các bản đồ Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa 
là của Việt Nam tại một cuộc triển lãm tư liệu ở Bảo tàng Đà Nẵng
Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Hội nghị San Francisco có 51 quốc gia tham dự đã diễn ra từ ngày 5  đến 8-9-1951. Trong ngày 5-9-1951, tại phiên họp toàn thể mở rộng, 43 quốc gia đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc.
Nhiều bản đồ của các nước phương Tây cũng khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Bản đồ của Van - Langren (người Hà Lan) vẽ năm 1595 với rất nhiều chi tiết, nhất là tại vùng Trung Bộ. Tại Bắc Bộ cũng có nhiều chi tiết, nhất là sông Hồng. Đặc biệt, trên phần đất liền, ngoài địa danh rất đáng lưu ý là mũi Varella, còn có bờ biển Costa da Pracel ở đối diện với Pulocanton (Cù lao Ré) thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi. “Đây là những chứng cứ lịch sử khách quan góp phần cùng nhiều chứng cứ lịch sử khác khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” - ông Ngữ nhấn mạnh.
Nhiều tư liệu giá trị
Ông Đặng Công Ngữ cho biết UBND huyện đảo Hoàng Sa đã nghiệm thu đề tài khoa học Font tư liệu Hoàng Sa. Trong đó, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cùng các cộng sự đã sưu tầm 8 bản đồ Việt cổ trước năm 1945, 22 bản đồ Trung Quốc trước năm 1909 và 56 bản đồ cổ của các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp… có liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo ông Ngữ, đây là những tài liệu chứng minh rõ hơn việc 2 quần đảo trên thuộc chủ quyền Việt Nam. “Chúng tôi đang chờ nghiên cứu khoa học của một số tổ chức để ra mắt, giới thiệu từ nay đến cuối năm và muộn nhất là đầu năm 2013” - ông Ngữ nói.
Ngoài ra, huyện đảo Hoàng Sa cũng đang thực hiện đề tài khẳng định Hoàng Sa thuộc Việt Nam qua tư liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1954-1975. UBND TP Đà Nẵng cũng đã cho phép huyện đảo Hoàng Sa lập một trang web viết về Hoàng Sa. Nhận định về việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, ông Ngữ cho rằng đây là việc làm hoàn toàn không có giá trị, một hành động phi lý, xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Theo ông Ngữ, tuyên truyền những tài liệu có chứng lý về Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam cho người dân trong nước và thế giới, trong đó có cả cộng đồng người Trung Quốc là việc làm rất cần thiết. “Vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần phải được đưa ra công luận quốc tế, giải quyết bằng giải pháp hòa bình” - ông Ngữ nhấn mạnh.
Cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam
Đại Thanh đế quốc vị trí khu hoạch đồ (năm 1909) là một trong số rất nhiều bản đồ cổ của Trung Quốc đã vẽ phần cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn Dư địa chí đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quản Như đồ của La Hồng Tiên quyển 1, thực hiện năm 1561, cho thấy phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng triều phủ sảnh châu huyện toàn đồ đời Thanh, năm 1862, vẽ theo Nội phủ địa đồ gồm 26 mảnh mang tên Đại Thanh kịch tỉnh toàn đồ. Trong bản đồ này, phần cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Quảng Đông tỉnh đồ trong Quảng Đông dư địa toàn đồ do quan chức tỉnh Quảng Đông vẽ năm 1897 không có bất kỳ quần đảo nào ở biển Đông.
Ngoài ra, cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa còn cung cấp nhiều bản đồ quốc tế từ thế kỷ XV - XVIII khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa không phải của Trung Quốc mà thuộc chủ quyền Việt Nam, đã được Nhà nước Việt Nam cai quản thường xuyên và ổn định kể từ thời nhà Nguyễn.
Bài và ảnh: HOÀNG DŨNG

Đề xuất đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào hiến pháp


(Dân trí) - "Việc các đồn biên phòng Việt Nam kiên quyết không đóng dấu vào những hộ chiếu in hình đường lưỡi bò của Trung Quốc là chủ trương đúng. Về lâu dài, cần đưa tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa vào hiến pháp" - cử tri góp ý với Chủ tịch nước.

Ngày 25/11, đoàn Đại biểu Quốc hội gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; TS. Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước đã có buổi tiếp xúc với cử tri của quận 3 và quận 4 - TPHCM. Trả lời các thắc mắc, chất vấn, lời nhắn gửi của các cử tri, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch chia sẻ: “Cái gì tốt cho dân cho nước thì chúng tôi không nề hà”.
Cử tri Vũ Hoài Ninh (P.13, Q.4) bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về quy định xe chính chủ. Cử tri này cũng cho rằng, quy định cho phép CSGT hóa trang mặc thường phục để chặn xe sắp có hiệu lực làm dấy lên lo lắng trong dư luận. “Đảng trao cho các anh nhiệm vụ vinh quang, nhiệm vụ chính của các anh là bảo vệ an ninh, trật tự, gắn với màu cờ, sắc áo. Nhiệm vụ hóa trang để đảm bảo an ninh đã có các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, lực lượng an ninh… Giờ thêm CSGT mai phục, truy bắt bất ngờ người đi đường sẽ dẫn tới những hình ảnh không đẹp. Hình ảnh người CSGT của 20 năm trước so với hình ảnh của lực lượng CSGT hôm nay, tôi rất chạnh lòng”, cử tri Ninh phản ánh.
Nhiều cử tri cho rằng, đất nước khó khăn, người dân tự động viên nhau gắng gượng, hy vọng, kỳ vọng vào Quốc hội… Tuy nhiên, họ vẫn chưa yên tâm trước công tác điều hành của Chính phủ. Cử tri Lê Trọng Nhường (P.8, Q.4) cho biết: “Phải quay lại cách đặt vấn đề của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cố Thủ tướng “xé rào” nhằm đem lại lợi ích cho dân. Đây là cuộc cách mạng đầy gian nan, các đồng chí đứng đầu phải dũng cảm, tránh rập khuôn”.
Cử tri Nguyễn Văn Kiều (P.11, Q.4) phản ánh đến đoàn đại biểu Quốc hội về những bất cập trong Luật Đất đai. Cử tri Kiều nêu trường hợp của cá nhân mình có miếng đất ở quận 2 nằm trong đường vành đai phía Đông, nhưng áp giá mỗi lúc mỗi khác. Dự án bỏ không đến nay hơn chục năm nhưng chưa triển khai, người dân thì chịu nhận giá đền bù rẻ mạt (300.000 đồng/m2). Trong khi cùng miếng đất ấy, chủ đầu tư ủi đất, phân lô, bán nền với số tiền 9 - 10 triệu/m2. “Tôi nói vấn đề riêng để chứng minh Luật Đất đai hiện quá rối rắm, xử lý vi phạm về chủ đầu tư để dự án treo cũng không rõ, khiến người dân mất niềm tin”, cử tri Kiều nói. 
 
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri Q.4, Q.3 ngày 25.11
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri Q.4, Q.3 ngày 25.11
(Ảnh: Lao động)
Cử tri Nguyễn Thanh Chiến (P.2, Q.4) cũng cho rằng, quy định mới về cấp phép xây dựng chưa có thông tư hướng dẫn. Người dân khó khăn trong làm thủ tục xin cấp phép xây dựng. Những người nằm trong quy hoạch 1/500 mới được phép xây dựng nhưng hầu hết các khu vực dân cư đều còn quy hoạch chung 1/2.000. Rõ ràng, người dân sẽ gặp vô cùng khó khăn khi triển khai quy định này.
Cử tri mong muốn nhà nước có những biện pháp cấp bách để cứu các doanh nghiệp. Hiện đã có hàng ngàn doanh nghiệp bị giải thể, phá sản do khủng hoảng nghiêm trọng của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường tài chính, ngân hàng. Về vấn đề “giải cứu” doanh nghiệp, cử tri Trần Văn Nhơn (P.3, Q.4) phân vân: “Có 2 cách chủ yếu cho doanh nghiệp tiếp cận vốn là dựa vào ngân hàng hoặc thị trường chứng khoán. Thế nhưng, hiện hai thị trường này cũng đang tụt dốc. Vậy hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách nào đây?”.
Các cử tri cho biết, họ chưa hài lòng với các trả lời chất vấn, giải thích của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… Cử tri mong muốn Quốc hội cần có vai trò trong giám sát thi hành luật, làm sao có hiệu quả.
Cử tri Nguyễn Văn Nhơn (P.9, Q.4) cho rằng cần xử lý nghiêm những người có trách nhiệm liên quan, nếu không làm được việc thì buộc phải từ chức, để cải cách, hồi phục kinh tế. Không thể chậm trễ được hơn nữa. Những xử lý đối với Bí thư Hải Dương, Chủ tịch Bình Phước, Chủ tịch Đắk Lắk, dân chưa hài lòng, rõ ràng là “giơ cao đánh khẽ”, kỷ luật cho có hình thức.
Liên quan đến thủy điện 6A ở Đồng Nai, cử tri Nguyễn Minh Ngọc (P.4, Q.4) chất vấn: “Tại sao vẫn đang khảo sát với mức độ mở rộng hơn. Nếu các đập thủy điện hoàn thành mà có các sự cố xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Hàng trăm ngàn hộ dân từ Đồng Nai tới TPHCM bị mất điện, thiếu nước ngọt, ai sẽ lo?”.
 
Cử tri Nguyễn Minh Ngọc cũng cho rằng, việc Trung Quốc in hình “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu, dù Việt Nam đã có phản ứng ngoại giao nhưng cần phải mạnh mẽ hơn nữa, cương quyết về chủ quyền. Ông Ngọc cho rằng, động thái của Trung Quốc khi cấp hộ chiếu phổ thông điện tử có in đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) là không thể chấp nhận, bất chấp luật pháp quốc tế. Việc các đồn biên phòng Việt Nam không đóng dấu vào những hộ chiếu có in hình đường lưỡi bò là một chủ trương đúng.
Cử tri Ngọc cũng đề nghị đưa tuyên bố chủ quyền của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào Hiến pháp. Ông Nguyễn Minh Ngọc kiến nghị: “Về lâu về dài chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ quyền biển đảo không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài để mọi người dân Việt Nam đều biết. Đồng thời, nên đưa vấn đề này vào Hiến pháp, các đề tài nghiên cứu khoa học, sách vở để các thế hệ tiếp tục đấu tranh”.
Trả lời chất vấn, thắc mắc của các cử tri, TS. Trần Du Lịch cho biết, về xe không chính chủ, Quốc hội sẽ tiếp thu, xem xét cho phù hợp. Về trách nhiệm người đứng đầu, theo ông Trần Du Lịch, bỏ phiếu tín nhiệm là quá trình chúng ta đang làm nhưng cũng phải từng bước. Việc nghị định 64 gây phiền hà về xây dựng, đại biểu Trần Du lịch cho biết sẽ tiến hành kiểm tra. Về cách quản lý vàng, Quốc hội cũng sẽ tham gia.
“Nhiều vấn đề cử tri nêu đúng là còn có bất cập đang chen nhau. Chúng tôi sẽ từng bước thực hiện, cái gì tốt cho dân cho nước thì chúng tôi không nề hà”, tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
Công Quang